Tiếp thị trực tuyến

Tư Vấn Bảo Hiểm Nhân Thọ Dai-ichi Life Nhật Bản

TU VAN BAO HIEM NHAN THO DAI-ICHI

HỢP ĐỒNG

Cẩn thận khi đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ
"Họa lớn" vì mua đất không công chứng
Mua bán nhà đất qua công chứng: Vẫn có thể bị lừa

Cẩn thận khi đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ

Tiếp theo vụ Cty Vạn Thịnh Phát (chủ đầu tư khu căn hộ cao cấp Pasteur Court TPHCM) kiện khách hàng hủy hợp đồng mua bán căn hộ, gần đây nhiều bạn đọc đã phản ánh có chủ đầu tư đã kiện họ để lấy lại nhà!

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại khá nhiều dự án căn hộ, khách hàng có nguy cơ mất nhà do hợp đồng có quá nhiều tình tiết bất lợi cho khách hàng chỉ vì khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, họ đã “hoa mắt” trước những điều khoản do chủ đầu tư đưa ra và nguồn cung khan hiếm…

Tại dự án căn hộ cao cấp (CHCC) The Royal (Q. Bình Thạnh) TPHCM, dù cơ quan quản lý không cho phép nhưng chủ đầu tư là Cty Tân Hoàng Thân đã biến văn phòng cho thuê thành CHCC.

Xem kỹ hợp đồng khách hàng đã ký với Cty này thì có điều khoản họ được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi cơ quan có thẩm quyền không cho phép thực hiện tiếp tục dự án.

Như vậy, nếu có kiện tụng vì không được giao nhà hay văn phòng không cho phép thành căn hộ thì khách hàng may mắn lắm cũng chỉ được trả lại tiền theo giá gốc kèm lãi suất ngân hàng. Khách hàng nào mua, sang, nhượng lại lần thứ hai trở đi rất có thể mất trắng hàng trăm triệu đồng, vì giá gốc chỉ 12 triệu đồng/m2 còn giá hiện tại đã 17, 18 triệu đồng/m2.

Hiện, chúng tôi đang có hợp đồng căn hộ V (Q.7 TPHCM). Trong hợp đồng này, chủ đầu tư chỉ phải trả lại tiền giá gốc và đền 5% giá trị hợp đồng (khoảng 60 triệu đồng), nếu sau 180 ngày đến hạn mà không có nhà. Nhưng khách hàng phải chịu phạt đến 20% giá trị hợp đồng (khoảng 240 triệu đồng) nếu sau 1 tháng đến hạn mà chưa thanh toán tiền!

Qua tìm hiểu 6 hợp đồng mua bán căn hộ ký từ đầu năm 2007 về trước tại một văn phòng môi giới địa ốc ở Q.2 (TPHCM), chúng tôi thấy cả 6 hợp đồng đều quy định chủ đầu tư chỉ phải bồi thường nhiều nhất là 8% giá trị hợp đồng nếu dự án không tiếp tục thực hiện hoặc đền cao lắm là 30% giá gốc nếu họ không giao nhà vì bất cứ lý do gì! Với giá nhà tăng vọt như hiện nay thì khách hàng cầm chắc thua thiệt nếu chủ đầu tư vin vào “kẽ hở” này để hủy hợp đồng.

Ngay cả nhiều dự án lớn như của Phú Mỹ Hưng trước đây hay dự án sốt ảo vừa qua như The Vista, đều có những điều khoản bất lợi dành cho khách hàng nếu có tranh chấp.

Phổ biến nhất vừa qua của các dự án bán còn trên giấy (khi chưa có quy định có móng mới bán nhà) là hợp đồng bị tuyên vô hiệu và khách hàng phải nhận về tiền góp vốn từ 2 - 3 năm trước và sau đó chủ đầu tư bán nhà với giá hiện tại gấp 5 - 6 lần.

Tại dự án căn hộ Phúc Long Plaza (khu Nam Sài Gòn), đóng tiền 2 - 3 năm trời nhưng khu đất xây căn hộ bị chuyển mục đích sử dụng và khách hàng chỉ còn biết an ủi nhau khi nhận tiền về “may mà không mất”.

Ngay trong vụ Vạn Thịnh Phát hủy hợp đồng hứa bán căn hộ Pasteur Court, luật sư của khách hàng Lê Thụy Hải Hà đã cẩn thận yêu cầu bên Vạn Thịnh Phát phải đền 300% số tiền đã nhận nếu hủy hợp đồng, nhưng Vạn Thịnh Phát vẫn làm vì có lợi do tiền đã nhận chỉ bằng 50% giá trị hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, khi ký hợp đồng thường khách hàng tin tưởng vào uy tín của Cty hơn là những điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều Cty đã đánh mất chữ tín vì nhiều lý do: giá lên quá cao, nhanh; mượn vụ kiện khách hàng này để “dằn mặt” khách hàng khác, dùng tiền khách hàng đi làm ăn riêng…

Khi tranh chấp, họ thường chỉ phải trả số tiền đã nhận bằng một nửa, thậm chí bằng 20% - 30% so với giá nhà hiện tại và còn được xử lấy lại để bán hay cho thuê với giá hiện tại nên đã tạo ra một tiền lệ xấu.

Ông Nguyễn Phúc Đức, Phó giám đốc Cty địa ốc Đức Lợi (Q.7, TPHCM) lo ngại: “Ở các nước khác tôi không thấy chủ đầu tư làm vậy, các chủ đầu tư tại Việt Nam đã có một “án lệ” đem lại lợi ích cả tinh thần lẫn vật chất cho họ nên tiền lệ xấu này có vẻ gia tăng. Tôi mong khi đặt bút ký hợp đồng khách hàng hãy cẩn thận”.

Có lẽ, hiếm ở đâu lại có kiểu mua bán và giải quyết tranh chấp căn hộ như ở Việt Nam: Khách hàng chen lấn mua, nhắm mắt ký hợp đồng và luôn chịu thiệt hại khi tranh chấp nhưng CHCC vẫn bán chạy!

Luật sư Sa Linh khuyến cáo: “Trước khi “trời cứu”, khách hàng nên phải tự thương lấy đồng tiền của mình bỏ ra và nên nhớ họ có quyền thương lượng hợp đồng với chủ đầu tư”.

Theo: Tiền phong


"Họa lớn" vì mua đất không công chứng

Nhiều người vì xem nhẹ thủ tục công chứng mà phải chịu mất trắng khi bị đối phương kiện ra tòa. Công chứng ngày càng được coi là "người gác cổng" tin cậy, bảo đảm an toàn về pháp lý cho các giao dịch về nhà đất.

Dễ bị kiện

Chị Minh Hương là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội. Sau gần 10 năm chắt bóp, anh chị mới dành dụm được khoản tiền mua một mảnh đất trong làng Ngọc Hà (cũ). Mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của anh Trọng Lê, là con trai trưởng của dòng họ Nguyễn.

Anh Lê không phải là người đứng tên trong sổ đỏ, nhưng theo thỏa thuận (miệng) của các anh chị em trong gia đình, anh Lê được quyền tự quyết định đối với lô đất này. Vì thế, chỉ có vợ chồng anh Lê đứng tên trong giấy mua bán viết tay với vợ chồng chị Hương. Hai bên cam kết khi nào chị Hương trả nốt 30 triệu thì anh Lê sẽ giao sổ đỏ sang tên cho chị Hương.

Tuy nhiên, 2 năm sau đó, khi sổ đỏ sau nhiều lần lần lữa vẫn chưa làm thì bố đẻ anh Lê qua đời. Cũng từ đó, gia đình anh Lê xảy ra mâu thuẫn, trong đó có chuyện phân chia tài sản. Thương lượng bất thành, 4 anh chị em còn lại trong gia đình đồng đệ đơn kiện anh Lê ra tòa án.

Tại bản án của TAND quận đã tuyên chia toàn bộ di sản thừa kế cho 5 anh chị em, trong đó bao gồm cả phần đất anh Lê đã bán cho chị Hương. Vì việc mua bán giữa anh Lê, chị Hương không được sự đồng ý bằng văn bản của bố đẻ (khi đó mẹ anh Lê đã mất) và các anh chị em khác trong gia đình, giấy mua bán giữa hai bên cũng không có công chứng, chứng thực…, xét quan hệ mua bán giữa anh Lê, chị Hương là chưa tuân thủ đúng luật định nên Tòa tuyên chị Hương phải trả lại đất, anh Lê trả lại tiền.

Thời chị Hương mua đất chỉ 2 triệu/m2, nay giá đất gấp hàng chục lần, nếu chị nhận lại tiền, tính cả lãi suất thì cũng không mua nổi mấy m2 chứ đừng nói đủ làm nhà…

Tương tự hoàn cảnh chị Hương, năm 2007 là thời điểm giá nhà đất Hà Nội “xuống đáy” nên có ít tiền dành dụm, vợ chồng anh Bùi Văn P. ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội quyết định bỏ vốn đầu tư vào đất. Dù đất đã có sổ đỏ nhưng vì nhiều lý do, anh P vẫn chưa làm các thủ tục chuyển nhượng, kể cả công chứng.

Năm 2010, mảnh đất anh P mua trúng vào quy hoạch của một dự án kinh tế lớn. Do anh P chưa sang tên sổ đỏ, hợp đồng mua bán không có công chứng, chứng thực nên anh không chứng minh được mình là chủ mảnh đất nói trên nên không nhận được đền bù. Bất đắc dĩ anh phải “nhờ” người chủ cũ làm các thủ tục nhận tiền đền bù với “chi phí cắt cổ” là 5% trên tổng số tiền được nhận.

Giao dịch ngầm: gánh nặng trên vai ngành Tòa án

Rất nhiều người ở hoàn cảnh như chị Hương, anh P. khi họ mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ, hoặc không được sự đồng ý của các đồng thừa kế, kể cả việc các đồng thừa kế có ký tên, điểm chỉ nhưng việc mua bán chỉ là trao tay thì khi ra tòa, người mua vẫn luôn ở thế yếu.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng vô hiệu (vì không tuân thủ các quy định của pháp luật) thì hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, điều khiến những người mua phải điêu đứng khi giá nhà đất ở thời điểm mua khác xa so với thời điểm xảy ra tranh chấp. Và như vậy trong các vụ kiện này, người mua có thể bị mất trắng.

Thực tế, nhiều vụ khi bản án đã có hiệu lực, người mua phải trả lại nhà đất nhưng nếu họ không tự nguyện thì còn bị cưỡng chế thi hành án và phải trả các khoản chi phí phục vụ cho việc cưỡng chế. Đó là chưa kể, nhiều vụ người mua phải chờ người đã bán đất cho mình có điều kiện để thi hành án thì họ mới nhận lại được số tiền đã bỏ ra mua đất trước đây. May mắn hơn như trường hợp của anh P. không bị kiện ra tòa nhưng cũng phải chấp nhận “khoản chi phí trời ơi” cho người chủ cũ mới lấy được tiền đền bù mà lẽ ra anh là người phải được nhận “trọn gói”.

Nhà đất là những tài sản có giá trị lớn, tuy nhiên, do bất cẩn, chủ quan hoặc do nhận thức pháp luật hạn chế nên nhiều người dân vẫn chấp nhận việc mua bán trao tay, và thực tế này diễn ra khá phổ biến. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

Thực tiễn xét xử thời gian qua cũng cho thấy thị trường bất động sản đang còn những giao dịch “ngầm”, giao dịch “chui” thông qua hình thức mua bán trao tay, không qua công chứng chứng thực và rất khó kiểm soát. Tranh chấp ngày càng nhiều tạo gánh nặng lên vai ngành Tòa án bởi lẽ để xét xử những vụ việc này mất rất nhiều thời gian, công sức.

(Theo PLVN)

Mua bán nhà đất qua công chứng: Vẫn có thể bị lừa

Việc mua bán nhà đất, đều có sự chứng kiến của công chứng viên là người dân tin tưởng vào giao dịch đó. Trong đó, phần đông tin rằng, khi mua nhà, mua đất, cứ có công chứng là họ yên tâm sẽ không bị lừa; giấy tờ nhà đất cứ qua công chứng là chắc chắn không phải giấy tờ giả.

Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn bị mắc lừa. Nhiều sổ đỏ giả vẫn qua mặt được công chứng một cách ngon trớn.Vậy thì, tại sao lại xảy ra những sự cố đó và liệu công chứng viên (CCV) có phải chịu trách nhiệm hay không?

Khi công nghệ làm giả giấy tờ đạt trình độ tinh vi như hiện nay, CCV nhiều khi cũng… bó tay

Đó là chia sẻ thật lòng của một CCV kỳ cựu đã từng làm việc trong Văn phòng Công chứng nhà nước nhiều năm. Dù, kinh nghiệm làm nghề đã cho ông khá nhiều kinh nghiệm để phân biệt giấy tờ giả - thật. Nào là sờ xem nếu có phần in nổi thì mới là giấy tờ thật. Nào là nhìn xem con dấu, chữ ký, họa tiết, hoa văn trên sổ đỏ có sắc nét không. Nào là chao nghiêng trước ánh sáng xem có nổi dấu chìm lên hay không. Nào là quan sát kỹ chữ ký xem có dấu vết của lực tỳ ấn mạnh khi ký hay không. Ngần ấy phương pháp, nhưng tất cả cũng là cảm quan thôi, nên CCV cũng không dám nói mạnh rằng sẽ nhìn ra được chính xác giấy tờ đâu là giả, đâu là thật.

Thượng tá Phan Cao Thu - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội - khẳng định: "Chỉ có các giám định khoa học của Kỹ thuật Hình sự mới đưa ra được câu trả lời chính xác".

Chả thế mà một CCV tại Tp.HCM đã chia sẻ với báo chí một câu chuyện thật như đùa. Rằng, trong một khóa tập huấn kỹ năng nhận biết dấu vân tay và giấy tờ giả do Sở Tư pháp Tp.HCM tổ chức mới đây, khi các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đưa ra một số mẫu giấy tờ giả thì hầu hết các CCV đều không nhận ra và điều ấy đồng nghĩa với việc, nếu có yêu cầu công chứng thì tất nhiên, họ sẽ công chứng.

Kỹ năng nhận biết đối với loại giấy tờ giả hoàn toàn đã khó khăn như vậy nhưng đối với các loại giấy tờ vừa thật vừa giả, tức là nội dung giả được in trên phôi thật thì việc nhận biết còn khó hơn nhiều. Nhiều CCV tại Hà Nội đều có chung một câu trả lời, nếu sổ đỏ giả được in trên phôi thật thì chỉ có cách duy nhất là khi công chứng phải biết hình dấu của cơ quan cấp và mẫu chữ ký của người có thẩm quyền để so sánh. Song, đó là cách khó bởi vì có rất nhiều mẫu chữ ký tùy thuộc vào từng thời điểm, từng địa phương làm sao CCV biết hết được để mà đối chiếu, so sánh.

Trong vụ án lừa đảo bằng sổ đỏ giả - phôi thật do Nguyễn Thị Bằng An ở Cầu Giấy, Hà Nội mới bị phát hiện vào tháng 3 vừa qua, trong số hàng chục sổ đỏ mà An thuê chế tạo, An đã bán trót lọt cho nhiều người mua, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, một số người dân đã tới Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội tố cáo, khi mua nhà của An, họ đã giao dịch qua một Văn phòng công chứng tại Hà Nội, nhưng CCV cũng không phát hiện ra sổ đỏ đó là giả mạo.

Mấy năm trước, Hà Nội cũng đã từng xôn xao trước cái chết bất ngờ của CCV Trần Minh Hải, Trưởng Văn phòng Công chứng (VPCC) Việt Tín. Ông Hải, trước khi chết đã công chứng hàng trăm bộ hồ sơ nhà đất với giấy tờ giả mạo mà không biết. Ông Hoàng Đình L. nhà ở phố Bạch Mai, tại thời điểm đó đã trần tình trên báo chí về việc mình bị lừa, mất 2,5 tỉ đồng vì tin vào…công chứng.

Số là cuối năm 2009, ông L. thỏa thuận mua một mảnh đất rộng hơn 300m2 của Trần Ngọc C. Hồ sơ của ngôi nhà do C. đưa ra gồm 1 sổ đỏ mang tên Nguyễn Thành Trung và một hợp đồng ủy quyền với nội dung ông Trung đã ủy quyền cho C. chuyển nhượng ngôi nhà trên. Bản hợp đồng ủy quyền này có đóng dấu VPCC Thăng Long.

Nhận thấy thủ tục mua bán như vậy là đầy đủ, ông L. đã đồng ý cùng C. tới VPCC Việt Tín để làm hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà trên. Mọi việc diễn ra suôn sẻ với sự chứng kiến của CCV. Sau đó, ông L. nhận được "sổ đỏ" gốc và thanh toán cho C. đủ số tiền 2,5 tỉ đồng theo thỏa thuận.

Nhưng khi đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì Văn phòng Đăng ký nhà đất yêu cầu ông L phải xuất trình cả hợp đồng ủy quyền bản gốc giữa chủ nhà là ông Nguyễn Thành Trung với Trần Ngọc C mới đủ thủ tục. Liên lạc với C. không được, ông L. quay lại VPCC Việt Tín để xin photo bản hợp đồng ủy quyền trên. Tuy nhiên, Bản hợp đồng ủy quyền số 1438/2009/HĐUQ lưu giữ tại đây cũng chỉ là bản photo. Do vậy, ông Long phải tìm đến VPCC Thăng Long để xin cung cấp bản gốc.

Tại VPCC Thăng Long, ông Long sững sờ khi được trả lời VPCC này không thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền nào như bản photo hợp đồng ủy quyền mà anh Long đưa ra. Con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của VPCC Thăng Long trên hợp đồng ủy quyền là giả mạo. Vậy mà, tại VPCC Việt Tín của CCV Trần Minh Hải, CCV đã không hề hay biết.

Tương tự, tại Tp.HCM, một vụ kiện dân sự đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi đây là lần đầu tiên một CCV bị kiện đòi bồi thường 860 triệu đồng. Người khởi kiện cho biết, ông mua một mảnh đất tại quận 9 và ra công chứng tại một VPCC. Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên thì ông mới biết, mảnh đất này đã bị Tòa án ra quyết định ngăn chặn giao dịch vì đang có tranh chấp. Cho rằng mình bị lừa bởi sự tắc trách của CCV, ông đã khởi kiện ra Tòa án đòi CCV phải bồi thường số tiền mà ông đã bị mất trong giao dịch này.

Trách nhiệm của CCV đến đâu?

Tại Hà Nội, tính đến thời điểm này, đã có một CCV bị phạt 42 tháng tù giam vì hành vi thiếu trách nhiệm trong hoạt động công chứng. Đó là nguyên CCV Hoàng Văn Sự thuộc Phòng Công chứng số 5. Theo bản án của Tòa án nhân dân TP Hà Nội trong phiên xử sơ thẩm thì ông Sự đã bỏ qua một số nguyên tắc quan trọng đã được quy định tại Luật Công chứng khi tiến hành công chứng một số hợp đồng ủy quyền giao dịch nhà đất, dẫn đến hậu quả một số người dân bị bọn tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.

Cụ thể, CCV Hoàng Văn Sự đã ký nhiều hợp đồng ủy quyền của các chủ sở hữu cho Nguyễn Thu Hợp, Vũ Thị Minh Hòa đều có cùng một nội dung: "Bên nhận ủy quyền được thay mặt bên ủy quyền dùng toàn bộ tài sản đem chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật, để làm thủ tục vay vốn của ngân hàng và các cơ quan tổ chức tín dụng".

Trong khi đó, những người có tài sản ủy quyền cho Hợp với ý thức mong muốn được vay tiền của ngân hàng và họ đã thỏa thuận với Hợp, Hòa là ủy quyền cho 2 đối tượng này được sử dụng tài sản của họ để vay vốn ngân hàng, tức là chỉ ủy quyền "thế chấp". Chính vì vậy khi đọc nội dung ủy quyền trên, chủ tài sản đã bị nhầm lẫn không phân biệt được việc "chuyển nhượng" và "thế chấp".

Thế nhưng, CCV Hoàng Văn Sự đã không giải thích rõ ràng về nội dung ủy quyền, không hướng dẫn cho họ biết về thủ tục ký công chứng ủy quyền, không phân tích chỉ rõ sự bất lợi khi họ ký ủy quyền "chuyển nhượng" mà chỉ đưa ra các bản hợp đồng đã được soạn thảo trước đó. Thậm chí, có trường hợp phiếu yêu cầu công chứng ghi "ủy quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng" nhưng nội dung hợp đồng lại bao gồm "chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật để vay vốn ngân hàng".

Còn nữa, trong quá trình thực hiện công chứng, ông Hoàng Văn Sự đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Công chứng dẫn đến việc đối tượng thuê đóng giả người để ký hợp đồng ủy quyền nhưng ông Sự đã không phát hiện ra.

Những sai phạm của CCV Hoàng Văn Sự đã dẫn đến hậu quả khi có các bản hợp đồng ủy quyền có nội dung "chuyển nhượng" có công chứng trong tay, Hợp đã chuyển nhượng tài sản của các chủ sở hữu để chiếm đoạt một lượng tiền rất lớn.

Nhưng cho đến nay, tại Hà Nội, trường hợp CCV do làm sai các nguyên tắc nghề nghiệp mà phải ra tòa và phải chịu án phạt tù thì ông Hoàng Văn Sự mới chỉ là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Còn tất cả các trường hợp CCV công chứng nhầm… giấy tờ giả thì chưa có ai phải chịu trách nhiệm gì, kể cả dân sự lẫn hình sự.

Ông Nguyễn Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội - lý giải điều này bằng các quy định tại khoản 2 điều 8 Luật Công chứng. Rằng, người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng. Bởi vậy, trong mọi trường hợp hồ sơ công chứng có giấy tờ giả thì người phải chịu trách nhiệm không phải là CCV.

Theo điều 2 Luật Công chứng thì công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Có nghĩa là, khi mua bán nhà đất qua công chứng, chỉ nhằm xác nhận giao dịch mua bán đó là có thật mà thôi!

Công chứng viên chống lại vấn nạn giấy tờ giả bằng… máy soi

Một người dân tại Tp.HCM đã khởi kiện một CCV ra tòa vì cho rằng, CCV này do tắc trách nên đã ký công chứng vào một hợp đồng mua bán đất trong khi mảnh đất này đang thuộc diện cấm giao dịch vì có tranh chấp. Tại Hà Nội, đã xảy ra những vụ kiện dạng này chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Cao: Tôi khẳng định, tại Hà Nội, nếu CCV làm đúng trách nhiệm thì sẽ không thể xảy ra trường hợp tương tự như trên. Hà Nội hiện có 70 VPCC thì 68 văn phòng đã triển khai hệ thống mạng thông tin rồi, 2 văn phòng còn lại chưa kịp triển khai vì vừa mới thành lập. Trong hệ thống mạng này, sẽ có đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của nhà, đất trên địa bàn Hà Nội, bao gồm:

Thứ nhất là hệ thống ngăn chặn, tức là các địa chỉ nhà đất thuộc diện cấm giao dịch.

Thứ hai là hệ thống cảnh báo, tức là các địa chỉ nhà, đất đang có tranh chấp.

Thứ ba là các địa chỉ nhà, đất đã giao dịch, mua bán.

Với hệ thống mạng này, khi CCV cần kiểm tra thông tin trong hồ sơ công chứng chỉ cần truy cập vào là biết rõ căn nhà hoặc mảnh đất đó có thuộc diện cấm giao dịch hay không, có đang trong tình trạng tranh chấp quyền sở hữu hay không và đã bị mua đi bán lại bao nhiêu lần.

Nhưng đã từng xảy ra nhiều trường hợp, mảnh đất, ngôi nhà là có thực, chủ sở hữu không bán, song lại có một kẻ nào đó đã làm giả giấy tờ của mảnh đất, ngôi nhà để đem bán và người mua bị mắc lừa. Trong những trường hợp như thế thì hệ thống thông tin như ông nói, có vẻ như không có tác dụng phát hiện.

Phải nói rằng với công nghệ làm giả tinh vi như hiện nay thì việc phát hiện giấy tờ giả không hề đơn giản. Những trường hợp đó thì các VPCC tại Hà Nội sẽ phát hiện bằng máy soi. Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, mời các chuyên gia kỹ thuật hình sự bên ngành công an sang hướng dẫn kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho các CCV.

Mới đây, nhiều VPCC tại Hà Nội đã trang bị hệ thống máy soi để phát hiện giấy tờ giả trong hồ sơ công chứng. Sắp tới, Hà Nội còn triển khai tiếp mạng liên thông giữa các VPCC với Sở Tài nguyên Môi trường. Với hàng loạt biện pháp như thế, cùng với việc nâng cao trình độ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho các CCV, hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn được những hành vi lừa đảo trong giao dịch, mua bán nhà đất hiện nay.

Xin cảm ơn ông.

(Theo ANTG)