Tiếp thị trực tuyến

Tư Vấn Bảo Hiểm Nhân Thọ Dai-ichi Life Nhật Bản

TU VAN BAO HIEM NHAN THO DAI-ICHI

Thủ tục Mua bán Chuyển nhượng

Mua bán, sang nhượng nhà đất có bất hợp pháp không?
Mua căn hộ chung cư có được tự thay đổi cấu trúc?
Mua chung cư có quy định thời hạn sử dụng không?
Mua đất chỉ có giấy viết tay, có thể làm sổ đỏ không?

Mua bán, sang nhượng nhà đất có bất hợp pháp không?

Hỏi: Tại khu dân cư tôi đang ở, chị B có mua một căn hộ và đã được sang tên có bìa đỏ mang tên chị B, nhưng vì chủ nhà chưa tìm được chỗ ở mới, chị B đã thỏa thuận cho ở nhờ một thời gian.

Khi hết thời hạn, chị B đòi lại nhà thì chủ cũ không chịu trả mà lại trốn tránh không hợp tác. Hiện tại ngôi nhà đó có người khác đứng ra nhận là chủ cũ đã bán nhà cho họ (có giấy viết tay, không có cơ quan thẩm quyền xác nhận) và họ đã quản lý ngôi nhà đó. Vậy xin được hỏi, thủ tục để chị B đòi lại nhà là như thế nào? Cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết? Người chiếm giữ trái phép có phạm tội không? Phạm Hồng Hải (Cán bộ Mặt trận quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời

Hợp đồng mua bán nhà ở phải tuân thủ đúng các điều 450, 451, 452, 453 và 454 của Bộ luật dân sự. Người mua được sang tên có bìa đỏ chứng tỏ việc mua bán nhà là đúng quy định pháp luật. Nay có người khác đứng ra nhận là chủ cũ đã bán nhà cho họ nhưng chỉ có giấy viết tay, không có cơ quan có thẩm quyền xác nhận là sự mua bán bất hợp pháp.

Việc quản lý ngôi nhà của người mua nhà về sau cũng bất hợp pháp. Người mua nhà đã được sang tên có bìa đỏ là chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà. Người này có quyền làm đơn trình lên Tòa án dân sự, nơi ngôi nhà tọa lạc để đòi người quản lý bất hợp pháp phải trả lại ngôi nhà. Việc tiến hành vụ kiện cần có luật sư thông thạo luật dân sự giúp đỡ.
Luật sư Lê Đức Tiết
(Theo ĐĐK)

 

Mua căn hộ chung cư có được tự thay đổi cấu trúc?

Hỏi: Tôi mua 2 căn hộ chung cư liền kề, dự kiến bàn giao vào năm 2014. Xin hỏi tôi có thể đập tường ngăn để nhập 2 căn hộ thành 1 và thay đổi thiết kế như bỏ bớt phòng được không?

Tôi cũng muốn được biết, trường hợp được nhập 2 căn hộ thì tôi có được cấp 1 Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho 2 căn hộ không?

Bà Trần Thị Phương Thảo (nnha1984@...)

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 76 và khoản 2 Điều 81 Luật Nhà ở năm 2005, chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở của mình. Tuy nhiên việc cải tạo nhà ở phải thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật về xây dựng. Việc cải tạo nhà chung cư cao tầng phải có thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tại khoản 5 Điều 23 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư (Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng), một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư là thay đổi kết cấu, thiết kế của phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng (như: xây tường ngăn lên mặt sàn, di chuyển các trang thiết bị và hệ thống kỹ thuật gắn với phần sở hữu chung, đục phá căn hộ, cơi nới diện tích dưới mọi hình thức).

Việc thay đổi mặt bằng, đục phá tường căn hộ theo thiết kế đã được duyệt có thể làm thay đổi, ảnh hưởng xấu đến kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của chung cư, đây là hành vi bị Quy chế quản lý nhà chung cư hiện hành nghiêm cấm.

Do đó đề nghị đập tường để thông 2 căn hộ đang mua, đồng thời thay đổi cơ cấu phòng so với thiết kế của bà Trần Thị Phương Thảo, về nguyên tắc sẽ không được chủ đầu tư chấp thuận.

Chủ đầu tư xây dựng cũng không được phép thay đổi thiết kế đã được phê duyệt, xây dựng sai Giấy phép xây dựng đã được cấp (nếu không được cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đồng ý, phê duyệt sửa đổi thiết kế, thay đổi nội dung Giấy phép xây dựng).

Chứng nhận quyền sở hữu một số căn hộ cho một chủ

Theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BXD ngày 25/2/2009 của Bộ Xây dựng, diện tích căn hộ nhà chung cư được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là diện tích sàn căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lôgia của căn hộ đó (nếu có).

Trong đó, diện tích sàn được tính theo kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính theo kích thước tính từ tim tường chung và tim tường bao ngoài của căn hộ (tường chung là tường ngăn chia giữa hai căn hộ, tường bao ngoài là tường ngoài giữa căn hộ và hành lang, lối đi, mặt ngoài của căn hộ).

Diện tích sàn căn hộ và cách tính diện tích này phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư và bản vẽ sơ đồ nhà ở.

Căn cứ Điều 18 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, một trong những giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng để bán là hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và bản vẽ mặt bằng xây dựng ngôi nhà chung cư, bản vẽ mặt bằng của tầng nhà có căn hộ hoặc bản vẽ mặt bằng của căn hộ đó.

Theo đó, Giấy chứng nhận được cấp cho căn hộ căn cứ vào số hiệu căn hộ, tầng số, diện tích căn hộ ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ đó và bản vẽ sơ đồ nhà ở theo thiết kế đã được duyệt.

Đối với trường hợp một người mua nhiều căn hộ đề nghị cấp chung vào một Giấy chứng nhận, theo khoản 7 Điều 6 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thể hiện thông tin về nhà ở tại trang 2 của Giấy chứng nhận đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu một số căn hộ cho một chủ sở hữu, thì tại điểm “2. Nhà ở” chỉ thể hiện các nội dung thông tin chung của ngôi nhà gồm địa chỉ; kết cấu; cấp (hạng); số tầng; năm hoàn thành xây dựng. Thông tin chi tiết về các căn hộ được thể hiện dưới dạng bảng như sau:

Căn hộ số
Tầng số
Diện tích sàn (m2)






Căn cứ các quy định trên, bà Thảo mua 2 căn hộ trong một ngôi nhà chung cư của một chủ đầu tư xây dựng, theo 2 hợp đồng mua bán căn hộ, có thể đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho từng căn hộ theo từng hợp đồng, hoặc đề nghị cấp Giấy chứng nhận chung cho cả 2 căn hộ đã mua.
Ls Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
(Theo Chinhphu) 
 

Mua chung cư có quy định thời hạn sử dụng không?

Hỏi: Có phải các khu chung cư và căn hộ hiện đang được rao bán trên thị trường nhà đất đều có thời hạn sử dụng hay không?

Và nếu chủ đầu tư ghi là có thời hạn 50 năm, 70 năm thì có phải sau thời gian đó họ thu hồi căn hộ để sửa chữa rồi trả lại cho người mua ở tiếp không?
truonglevu.ufm@...
Trả lời:
Theo quy định của Luật Nhà Ở 2005 sửa đổi 2009 Điều 13. Hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại Luật này là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhà ở thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật.
2. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không còn hiệu lực pháp lý trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà ở bị tiêu huỷ hoặc bị phá dỡ;
b) Nhà ở bị tịch thu hoặc trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Nhà ở được xây dựng trên đất thuê đã hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn thuê tiếp hoặc không được chuyển sang hình thức giao đất để sử dụng ổn định lâu dài;
d) Nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi do cấp không đúng thẩm quyền, người được cấp giấy chứng nhận không đúng đối tượng, nhà ở được ghi trong giấy chứng nhận không đúng với hiện trạng khi cấp giấy hoặc nhà ở xây dựng trong khu vực đã bị cấm xây dựng nhà ở;
đ) Nhà ở có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng đã được cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở khác theo quy định của Luật này.
Theo quy định tại điều 67 Luật đất đai 2003 quy định về đất sử dụng có thời hạn:
“Điều 67. Đất sử dụng có thời hạn
Người sử dụng đất được sử dụng đất có thời hạn trong các trường hợp sau đây:
3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư; được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá năm mươi năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá bảy mươi năm.
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt".
Như vậy, có thể hiểu nhà chung cư được sử dụng trong một thời hạn nhất định.
Nếu bạn mua đất ở được sử dụng ổn định lâu dài theo điều 69 Luật đất đai 2003 sửa đổi bổ sung 2009: Người nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)
(Theo CafeLand) 

 

Mua đất chỉ có giấy viết tay, có thể làm sổ đỏ không?

Hỏi: Nhà cháu mua đất năm 2001 chỉ có giấy viết tay, nay nhà cháu muốn làm sổ đỏ có được không và phải làm thế nào?

Năm 2001, nhà cháu có mua 1 mảnh đất rộng khoảng 120m2 trị giá 42 triệu đồng, đã có bản viết tay về giấy chứng nhận chuyển nhượng đất ở đất này là đất thổ cư. Khi làm sổ đỏ thì bên bán không chịu đưa sổ ra chính quyền địa phương xã để tách sổ mà còn đòi phải cho tiền mới chịu ký giấy để tách sổ đỏ.
Năm 2004 giá đất tăng cao nhà cháu có ý định bán với giá 300 triệu đồng thì người ta đòi chia cho 1 nửa tiền. Bố mẹ cháu tức giận không bán nữa. Sau đó, họ đòi nhà cháu cho 50 triệu đồng mới kí. Bố mẹ cháu xuống nước đem cho tiền thì họ lại đổi ý không kí.
Đến năm 2006 nhà cháu quyết định xây nhà lên để ở và hàng năm vẫn đóng tiền thuế nhà đất trên phần diện tích mình đã mua.
Vậy gia đình cháu có cách nào để có thể làm sổ đỏ nhà đất được không ạ?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
1. Nếu người chuyển nhượng đất cho gia đình bạn đã có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật đất đai năm 2003 (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chinh quyền cũ cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính hoặc giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà…) và bạn đã có giấy tờ mua bán, chuyển nhượng viết tay năm 2001 thì gia đình bạn có thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ vào quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật đất đai năm 2003.

2. Nếu trường hợp sử dụng đất của gia đình bạn không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật đất đai năm 2003 hoặc khi gia đình bạn thực hiện thủ tục xin cấp GCN QSD đất thì bên chuyển nhượng có tranh chấp thì tụ việc của gia đình bạn là tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Gia đình bạn có quyền yêu cầu bên chuyển nhượng phải thực hiện các thủ tục chuyển nhượng để đăng ký, sang tên cho gia đình bạn. Nếu họ cố tình không thực hiện thì gia đình bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết theo theo thủ tục tố tụng dân sự;
3. Nếu tranh chấp được tòa án thụ lý giải quyết, thì Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Luật đất đai và hướng dẫn tại tiểu mục 2.3, mục 2, phần II, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để giải quyết cụ thể như sau:
“2.3. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ sau này 15/10/1993
a) Điều kiện để công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo qui định tại Điều 131, các điều từ Điều 705 đến Điều 707 và Điều 711 của Bộ luật Dân sự, khoản 2 Điều 3, Điều 30, Điều 31 của Luật Đất đai năm 1993 và khoản 1 Điều 106, điểm b khoản 1 Điều 127, khoản 1 Điều 146 của Luật Đất đai năm 2003, thì Toà án chỉ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi hợp đồng đó có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a.1. Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có năng lực hành vi dân sự;
a.2. Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn toàn tự nguyện;
a.3. Mục đích và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
a.4. Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003;
a.5. Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện về nhận chuyển nhượng theo qui định của pháp luật;
a.6. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
b) Xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có đầy đủ các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.3 mục 2 này.
b.1. Đối với hợp đồng được giao kết trước ngày 01/7/2004 vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nhưng đã có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, mà có phát sinh tranh chấp, nếu từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
b.2. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2, 3 mục 2 này, nhưng sau đó đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
b.3. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần đất, thì Toà án công nhận phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất có nhà ở và huỷ phần hợp đồng đối với diện tích đất còn lại, buộc bên nhận chuyển nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết hợp đồng, đồng thời buộc các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch.
c) Việc giải quyết hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.
c.1. Khi xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, thì tuỳ từng trường hợp Toà án áp dụng quy định của điều luật tương ứng từ Điều 136 đến Điều 138, từ Điều 140 đến Điều 145 và Điều 146 của Bộ luật Dân sự để xác định thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.
c.2. Xác định lỗi, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Việc xác định lỗi, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b tiểu mục 2.4 mục 2 Phần I của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình"
c.3. Xác định thiệt hại.
- Khi tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì Toà án cần xác định thiệt hại gồm:
Khoản tiền mà bên chuyển nhượng phải bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu của diện tích đất do bên nhận chuyển nhượng đã làm huỷ hoại đất; khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã đầu tư để cải tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình, tài sản, cây lâu năm... trên đất. Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 379 Bộ luật Dân sự để bảo đảm thực hiện hợp đồng thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có.
- Để xác định đúng các thiệt hại nói trên, Toà án phải tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất và xác định thiệt hại về đất như sau:
Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thiệt hại, thì Toà án yêu cầu cơ quan chuyên môn định giá hoặc ra quyết định thành lập hội đồng định giá. Giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường chuyển nhượng tại địa phương nơi đất đang tranh chấp đối với từng loại đất vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
Trong trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quy định giá trị quyền sử dụng đất cụ thể phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại địa phương hoặc các trung tâm giao dịch bất động sản hoạt động hợp pháp có niêm yết giá giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa phương vào thời điểm xét xử sơ thẩm, thì Toà án có thể căn cứ vào giá do Uỷ ban nhân dân quy định hoặc giá niêm yết của các trung tâm giao dịch để xác định giá trị quyền sử dụng đất, mà không nhất thiết phải thành lập hội đồng định giá. Trong trường hợp này cần phải có căn cứ xác định giá quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân quy định hoặc giá quyền sử dụng đất do trung tâm giao dịch bất động sản niêm yết là hoàn toàn phù hợp với giá thị trường vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
- Trách nhiệm chịu chi phí cho việc định giá do các đương sự phải chịu chi phí tương ứng với phần nghĩa vụ của họ. Trường hợp đương sự có yêu cầu định giá lại, thì người có yêu cầu phải tạm ứng trước chi phí cho việc định giá lại và Toà án sẽ quyết định ai phải chịu chi phí định giá tuỳ thuộc vào kết quả xét xử.”.
Như vậy, căn cứ vào quy định pháp luật trên để tòa án giải quyết. Nếu tòa án công nhận hợp đồng thì bắt buộc các bên phải thực hiện. Nếu họ không sang tên cho gia đình bạn thì gia đình bạn có thể căn cứ vào bản án để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ vào quy định tại khoản 5, Điều 50 Luật đất đai 2003. Nếu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì tòa án sẽ giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật nêu trên và Điều 137 Bộ luật dân sự.

Nếu còn nội dung nào chưa rõ thì bạn có thể nêu tiếp câu hỏi để được luật sư trả lời.
Chúc bạn thành công!
LS Đặng Văn Cường
(Theo Soha)